Công tác chuẩn bị để Sàn giao dịch đi vào hoạt động:
Tháng 4/2021 Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phê duyệt Đề án thành lập Sàn giao dịch nợ VAMC, ngay sau đó Hội đồng thành viên VAMC thành lập Ban trù bị Sàn giao dịch nợ với các cán bộ có kinh nghiệm được điều động từ các Ban/đơn vị để triển khai chuẩn bị xây dựng, hoàn thiện các nội dung đưa Sàn giao dịch nợ đi vào hoạt động như: cơ sở vật chất, quy chế, quy trình, phần mềm quản lý, website riêng của Sàn giao dịch nợ...
Theo Quyết định số 10/QĐ-HĐTV ngày 13/5/2021 về việc thành lập Sàn giao dịch nợ VAMC và Quyết định số 17/QĐ-HĐTV ngày 18/6/2021 ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Sàn giao dịch nợ, cơ cấu tổ chức của Sàn giao dịch nợ gồm: Ban Giám đốc, Phòng Môi giới – Tư vấn – Dịch vụ, Phòng Hành chính – Kế toán – Tin học. Đến nay bộ máy tổ chức, nhân sự của Sàn giao dịch nợ đã tương đối hoàn thiện và ổn định, đội ngũ cán bộ của Sàn giao dịch nợ hầu hết được lựa chọn, điều động và bổ nhiệm từ các Ban/Đơn vị của VAMC, đó là những cán bộ nhiệt huyết, có năng lực, phẩm chất tốt, có kinh nghiệm trong hoạt động xử lý nợ xấu, đáp ứng được yêu cầu nghiệp vụ của Sàn giao dịch nợ.
Sàn giao dịch nợ VAMC hoạt động theo mô hình đơn vị hạch toán phụ thuộc, chịu sự quản lý, giám sát của VAMC. Trên cơ sở đó, người đại diện pháp luật của VAMC ban hành các văn bản phân cấp, ủy quyền cho Giám đốc Sàn giao dịch nợ đại diện cho VAMC để thực hiện các hoạt động giao dịch.
Đồng thời để chuẩn bị triển khai các hoạt động nghiệp vụ của Sàn giao dịch nợ, Tổng Giám đốc ban hành Quy trình đăng ký thành viên, môi giới, tư vấn và Biểu phí dịch vụ của Sàn giao dịch nợ, đây là cơ sở quan trọng cho cán bộ trong quá trình triển khai nghiệp vụ.
Bên cạnh đó, Sàn giao dịch nợ xây dựng và hoàn thiện phần mềm quản lý, website của Sàn giao dịch nợ: http://sangiaodichno.sbvamc.vn bao gồm các module về: đăng ký thành viên, nghiệp vụ tư vấn; môi giới mua, bán khoản nợ xấu và TSBĐ của khoản nợ xấu. Các module nghiệp vụ về cơ bản đã hoàn thiện, qua quá trình thử nghiệm hoạt động tốt, ổn định và được Sàn giao dịch nợ đưa vào khai thác sử dụng. Sàn giao dịch nợ xây dựng, cài đặt phần mềm kế toán, phần mềm hóa đơn điện tử và thực hiện đào tạo cán bộ sử dụng phầm mềm để phục vụ cho hoạt động hạch toán, kế toán.
Những kết quả bước đầu đạt được khi Sàn giao dịch nợ chính thức đi vào hoạt động:
Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, khẩn trương, ngày 15/10/2021 VAMC đã tổ chức lễ công bố đưa Sàn giao dịch nợ VAMC chính thức đi vào hoạt động. Đến ngày 30/11/2021, có 42 đơn vị đủ điều kiện là thành viên của Sàn giao dịch nợ VAMC và được Sàn giao dịch nợ cấp user thành viên truy cập website, ngoài ra còn nhiều đơn vị, tổ chức, cá nhân đã gửi hồ sơ đăng ký, Sàn giao dịch nợ đang thực hiện rà soát đối chiếu với quy định hiện hành để xem xét, phê duyệt thành viên đủ điều kiện. Nhiều thành viên Sàn giao dịch nợ đã ký hợp đồng với Sàn giao dịch nợ đề nghị môi giới bán nợ xấu, TSBĐ của khoản nợ xấu với tổng dư nợ là 7.774,71 tỷ đồng, trong đó: dư nợ gốc là 4.183,78 tỷ đồng.
Ảnh hưởng của đại dịch covid-19 vẫn còn khá phức tạp, trong thời gian tới khi dịch bệnh được kiểm soát, Sàn giao dịch nợ sẽ tăng cường làm việc với khách hàng, đẩy mạnh việc đăng ký thành viên và cung cấp nguồn hàng để các hoạt động mua bán nợ diễn ra sôi nổi. Bên cạnh đó Sàn giao dịch nợ tiếp tục chủ động tìm kiếm khách hàng có nhu cầu mua khoản nợ, TSBĐ của khoản nợ xấu để cung cấp dịch vụ môi giới, tư vấn, từng bước đưa Sàn giao dịch nợ trở thành trung tâm kết nối mua bán nợ xấu theo cơ chế thị trường./.