Nhận thấy mối liên hệ chặt chẽ giữa mục tiêu thúc đẩy ổn định tài chính và công tác xử lý nợ xấu, các thành viên IPAF trong đó có VAMC, đã và đang nỗ lực trau dồi năng lực, tăng cường chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm xử lý nợ xấu, từ đó, góp phần xây dựng nền kinh tế khu vực phát triển bền vững. “Trong khi tỷ lệ nợ xấu tăng cao ở một số thị trường tại Châu Á cần được giải quyết kịp thời nhằm giảm thiểu một trong những thách thức trọng tâm đối với ổn định tài chính, số hoá tài chính đóng vai trò then chốt trong quá trình tái định hình an toàn và ổn định tài chính”, chuyên gia Marius Vismantas chia sẻ.
Trước sự bùng nổ về chuyển đổi kỹ thuật số, số hoá tài chính mang lại nhiều lợi ích đáng kể trong việc nâng cao tiện ích và hiệu quả dịch vụ như chi phí giao dịch hợp lí, tốc độ cập nhật dữ liệu dòng tiền nhanh chóng, đóng vai trò quan trọng trong tái định hình an toàn và ổn định tài chính. Chuyên gia Marius Vismantas nhận định, “Mobile banking là minh chứng điển hình cho tầm ảnh hưởng quan trọng của tài chính số.” Đặc biệt, số hoá dịch vụ tài chính góp phần phát triển mục tiêu hoà nhập tài chính khu vực. Cụ thể, công nghệ kỹ thuật số hỗ trợ Chính phủ trong nhiều động thái phản ứng kịp thời và hiệu quả đối với những cú sốc kinh tế. Bên cạnh đó, thanh toán kỹ thuật số đã hỗ trợ xây dựng khả năng phục hồi tài chính và giảm thiểu rủi ro từ biến đổi khí hậu. Hơn nữa, đổi mới tài chính công nghệ (Fintech) góp phần thu hẹp khoảng cách tài chính thông qua các sản phẩm kỹ thuật số mới và tự động hoá quy trình giữa các doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) – Nhân tố mạch máu trong sự phát triển kinh tế ở nhiều quốc gia.
Chuyên gia Marius Vismantas đã chỉ ra 05 yếu tố quyết định và điều hướng số hoá trong các dịch vụ tài chính: (i) Tính năng kết nối toàn cầu; (ii) Chi phí hợp lí; (iii) Khả năng lưu trữ và phân tích dữ liệu lớn; (iv) Kỳ vọng người dùng cao; (v) Khái niệm tài chính công nghệ ngày càng phổ biến và phát triển. Đặc biệt, phát triển số hoá trong hoạt động tài chính mở ra nhiều cơ hội xây dựng những dịch vụ tài chính nâng cao, thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững.
Tuy nhiên, sự phát triển số hoá nhanh chóng trong tái định hình an toàn và ổn định tài chính cũng đặt ra một số thách thức nhất định. Theo đó, tốc độ giám sát dữ liệu cần bắt kịp tốc độ của dòng tiền bên cạnh những mối đe doạ về an ninh mạng gia tăng đáng kể. Ngoài ra, sự hiệu quả rõ rệt từ làn sóng phân mảnh dữ liệu của các công ty tài chính công nghệ đang thách thức những tổ chức tài chính truyền thống trên chuỗi giá trị dịch vụ tài chính. Từ đó, gia tăng rủi ro trong công tác quản lý, đặc biệt, cần thận trọng trong việc quản trị kế toán khi ứng phó với làn sóng đổi mới trên thị trường tài chính.
Số hoá tài chính chiếm trọng số quan trọng trong quá trình tái định hình an toàn và ổn định tài chính hiện nay, đặt những tổ chức xử lý nợ xấu vào vị trí luôn sẵn sàng cập nhật kiến thức, kinh nghiệm nhằm kịp thời ứng biến, nâng cao hiệu quả thị trường nợ xấu.
(Nguồn: Tài liệu tại Hội thảo quốc tế IPAF 2024)