Để VAMC trở thành hạt nhân thị trường mua bán nợ cần phải gỡ cơ chế và nguồn lực

28/06/2023
Những kết quả tích cực trong hoạt động xử lý nợ xấu (XLNX) thời gian vừa qua có sự đóng góp tích cực của VAMC. Tuy nhiên, giai đoạn tới đây, nợ xấu được dự báo tăng trở lại trước khó khăn của nền kinh tế, doanh nghiệp. Hoạt động XLNX gặp nhiều thách thức không chỉ đối với VAMC mà toàn hệ thống các TCTD. VAMC sẽ phải có giải pháp nào từ nội lực cũng như có cơ chế hỗ trợ ra sao để hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm mua bán nợ xấu. Phóng viên Thời báo Ngân hàng phỏng vấn TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia xoay quanh chủ đề này.

Xin ông đánh giá vai trò của VAMC đối với hoạt động xử lý nợ xấu trong 10 năm qua?

Như ta đã biết, VAMC được thành lập và hoạt động từ năm 2013 trong bối cảnh tỷ lệ nợ xấu và nợ tiềm ẩn xấu của hệ thống TCTD rất cao, lên đến 17,2% (tính đến cuối quý 3/2012).

Khi mới thành lập, VAMC có số vốn điều lệ ban đầu là 500 tỷ đồng. VAMC được áp dụng cơ chế mua – bán, xử lý nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt (TPĐB), đây là cơ chế mới, chưa có tiền lệ tại Việt Nam và trên thế giới. Tuy nhiên, cũng nhờ vào cơ chế này mà mặc dù vốn điều lệ của VAMC ở mức rất thấp nhưng đã góp phần hỗ trợ hệ thống TCTD xử lý được một lượng lớn nợ xấu. Cụ thể, kể từ khi thành lập đến cuối năm 2016, tổng giá trị TPĐB được VAMC phát hành để mua nợ lên tới 245.878 tỷ đồng (tương ứng với giá trị nợ xấu nội bảng là 275.565 tỷ đồng); đóng vai trò quan trọng đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống TCTD cuối năm 2016 xuống dưới 3%.

TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia

Từ năm 2017, với định hướng, chỉ đạo của Chính phủ và NHNN, VAMC bắt đầu chuyển trọng tâm hoạt động của mình từ mua bán, xử lý nợ xấu bằng TPĐB sang mua bán xử lý nợ xấu theo giá trị thị trường (GTTT). Trong năm 2017, VAMC được chấp thuận tăng vốn điều lệ lên 2.000 tỷ đồng. Đến năm 2019, VAMC tiếp tục được chấp thuận tăng vốn điều lệ lên 5.000 tỷ đồng, và Quyết định số 689/QĐ-TTg ngày 8/6/2022 của TTgCP phê duyệt Đề án "Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025" cũng đã đề cập đến việc nâng vốn điều lệ của VAMC lên 10.000 tỷ đồng. Việc tăng vốn là cần thiết khi VAMC chuyển đổi trọng tâm sang mua bán nợ theo GTTT, giúp nâng cao năng lực trong hoạt động xử lý nợ theo GTTT. Lũy kế từ năm 2017 đến cuối năm 2022, VAMC đã thực hiện mua nợ theo giá thị trường với tổng giá mua đạt gần 13.000 tỷ đồng với giá trị đã thu hồi được là khoảng 9.700 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong cùng giai đoạn thì giá trị mua nợ theo GTTT vẫn còn khiêm tốn (chỉ khoảng 10% so với giá trị TPĐB đã phát hành).

Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD (NQ 42) được ban hành (tháng 8/2017) cũng đã tạo cơ sở pháp lý và là bệ đỡ quan trọng giúp VAMC tăng tốc xử lý nợ xấu. Trên thực tế, kể từ khi NQ 42 chính thức có hiệu lực đến cuối năm 2022, lũy kế 276.500 tỷ đồng dư nợ gốc đã được VAMC xử lý, gấp gần 5 lần số dư nợ gốc xử lý được trong giai đoạn 2013-2016.

Sàn giao dịch nợ VAMC chính thức đi vào hoạt động vào ngày 15/10/2021 được kỳ vọng là một bước tiến mới nhằm thúc đẩy quá trình tạo lập và phát triển thị trường mua bán nợ; hình thành trung tâm kết nối, cung cấp thông tin tin cậy về nợ xấu và mua - bán nợ xấu của các TCTD. Tính đến hết năm 2022, sàn giao dịch nợ VAMC đã có 160 khách hàng đăng ký thành viên; website của Sàn đã đăng tải thông tin, niêm yết khoản nợ, tài sản bảo đảm (TSBĐ) của khoản nợ với giá trị khoảng 38.000 tỷ đồng và đã góp phần giúp TCTD xử lý hơn 781 tỷ đồng. Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận thực tế là giá trị thu hồi nợ thành công thông qua sàn giao dịch nợ VAMC còn rất khiêm tốn. Hàng hóa trên sàn còn thiếu tính đa dạng và chưa có sự kết nối thông tin chặt chẽ giữa các chủ thể tham gia thị trường.

Trong giai đoạn tới, VAMC đặt mục tiêu trở thành trung tâm mua bán nợ ở Việt Nam. Với cơ chế hoạt động cũng như nguồn lực tài chính như hiện tại, liệu VAMC có hiện thực hóa mục tiêu trên?

VAMC đặt mục tiêu trở thành trung tâm mua - bán nợ tại Việt Nam trong thời gian tới. Tuy nhiên, để hiện thực hóa mục tiêu này là không dễ trong bối cảnh cơ chế hoạt động cũng như nguồn lực tài chính như hiện tại của VAMC. Cụ thể:

Xét về khía cạnh nguồn lực tài chính, vốn điều lệ của VAMC đã được điều chỉnh tăng gấp 10 lần, từ mức 500 tỷ đồng năm 2013 lên mức 5.000 tỷ đồng hiện nay. Xét về quy mô tăng thì đây là mức tăng không nhỏ, nhưng xét về giá trị tuyệt đối thì còn khá khiêm tốn (chỉ tương đương 1,46% tổng nợ xấu của hệ thống TCTD tính đến hết quý 1/2023 khoảng 343 nghìn tỷ đồng theo số liệu từ NHNN).

Xét về góc độ cơ chế, khung khổ pháp lý cho hoạt động của VAMC đã được hoàn thiện dần theo thời gian, đóng góp tích cực vào kết quả xử lý nợ xấu của VAMC. Hiện nay, Dự thảo Luật Các TCTD (sửa đổi) đã bổ sung thêm 1 chương cho các quy định về xử lý nợ xấu và TSBĐ (Luật các TCTD hiện hành chưa có), nhằm tiếp tục tạo hành lang pháp lý trong hoạt động xử lý nợ xấu của các TCTD sau khi Nghị quyết 42 hết hiệu lực từ ngày 31/12/2023.

Tuy nhiên, vẫn còn một số điểm hạn chế, kìm hãm sự phát triển trong hoạt động mua bán, xử lý nợ xấu của VAMC nói riêng và toàn thị trường nói chung. Cụ thể, liên quan đến cơ chế xác định giá của khoản nợ xấu thì dự thảo Luật TCTD sửa đổi quy định rằng TCTD, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu, TSBĐ của khoản nợ xấu với giá bán phù hợp với giá thị trường. Tuy nhiên, cơ sở để xác định giá trị thị trường hay định nghĩa thế nào là “phù hợp” với giá thị trường thì chưa có quy định cụ thể, gây khó khăn cho việc triển khai trong thực tế. Bên cạnh đó, theo quy định pháp luật hiện hành thì chỉ có hai phương thức mua - bán nợ là đàm phán trực tiếp và đấu giá, khiến cho thiếu các cơ chế về công khai thông tin và cơ sở định giá khoản vay. Trên thực tế, việc mua - bán nợ phần lớn chỉ được thực hiện bởi 4 chủ thể là các TCTD, VAMC, DATC và các AMC của các TCTD. Mặc dù, NQ 42 cho phép các tổ chức khác tham gia mua bán nợ xấu nhưng không quy định chi tiết về kế thừa quyền, nghĩa vụ đối với TSBĐ khi tổ chức đó không phải TCTD và trong dự thảo Luật TCTD sửa đổi cũng không có đề cập đến vấn đề này. Chính điều đó đã hạn chế các chủ thể khác tham gia thị trường mua bán nợ, đặc biệt là các nhà đầu tư hay doanh nghiệp mua bán, xử lý nợ xấu nước ngoài hoặc có vốn đầu tư nước ngoài. Hơn nữa, theo dự thảo Luật TCTD sửa đổi, ngoài VAMC và DATC thì các công ty quản lý nợ và khai thác tài sản, công ty tư vấn tài chính, xử lý nợ xấu khác không được áp dụng một số cơ chế xử lý nợ xấu theo Luật TCTD sửa đổi, làm hạn chế khả năng huy động nguồn lực, giảm thanh khoản trên thị trường.

Theo ông, câu chuyện nguồn lực tài chính hay cơ chế là yếu tố then chốt để VAMC có thể thực sự trở thành hạt nhân của thị trường mua bán nợ tại Việt Nam?

Để VAMC có thể thực sự trở thành hạt nhân của thị trường mua - bán nợ tại Việt Nam thì cần hội đủ cả bốn yếu tố: nguồn lực tài chính mà cụ thể ở đây là vốn điều lệ của VAMC; cơ chế cho các hoạt động xử lý, mua bán nợ xấu; công nghệ thông tin – dữ liệu liên quan; quy trình phù hợp và nguồn nhân lực.

Về nguồn lực tài chính, với định hướng đẩy mạnh hoạt động mua bán nợ theo GTTT, nguồn lực tài chính là rất quan trọng để VAMC có thể hoạt động hiệu quả. Do đó, Chính phủ xem xét phê duyệt tăng vốn điều lệ cho VAMC lên 10.000 tỷ đồng theo lộ trình phù hợp trong bối cảnh tác động mạnh của đại dịch Covid-19, các điều kiện không thuận lợi về vĩ mô trong nước và quốc tế đã và đang làm cho nợ xấu của hệ thống của các TCTD tăng trở lại. Trong bối cảnh chưa thể sắp xếp được nguồn vốn cho VAMC, một phương án khác có thể được VAMC sử dụng là đẩy mạnh mua nợ theo GTTT theo hình thức phát hành trái phiếu thông thường. Tuy nhiên, phương án này phụ thuộc khá nhiều vào khả năng thanh khoản cũng như mức độ đánh giá tín nhiệm của các tổ chức bán nợ đối với loại trái phiếu này của VAMC.

Về góc độ cơ chế, như đã phân tích ở trên, các hạn chế trong Dự thảo Luật Các TCTD (sửa đổi) cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng, tìm ra các giải pháp để có thể giải quyết triệt để các vấn đề vướng mắc này. Trong đó, cần cân nhắc mở rộng đối tượng được áp dụng một số cơ chế xử lý nợ xấu theo Luật TCTD sửa đổi sang cả đối tượng khác (kể các các tổ chức tư nhân trong và ngoài nước) ngoài VAMC, DATC là cần thiết nhằm tăng khả năng huy động nguồn lực, tăng thanh khoản cho thị trường và cũng là thông lệ quốc tế. Ngoài ra, khi mở rộng, với các nhà đầu tư, DN mua – bán, xử lý nợ xấu có yếu tố nước ngoài, việc nhận và xử lý TSBĐ là bất động sản có thể được thực hiện theo hình thức trực tiếp hoặc ủy quyền thông qua một tổ chức hoạt động tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, sau hơn 1 năm đi vào vận hành, sàn giao dịch nợ VAMC đã đạt được một số kết quả khả quan. Tuy nhiên, thị trường mua - bán nợ về cơ bản vẫn còn khá sơ khai và gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Về chủ thể tham gia, chưa có hành lang pháp lý cho hoạt động mua bán nợ của những chủ thể không phải là VAMC, DATC… Mặt khác, các công ty tham gia mua bán nợ chuyên nghiệp còn ít về số lượng, hạn chế về năng lực tài chính, các tổ chức hỗ trợ như môi giới, tư vấn, định giá, định hạng tín nhiệm chưa phát triển…

Về sản phẩm, hàng hóa: thị trường mua - bán nợ nên cho phép mua - bán cả nợ xấu và nợ thông thường để tăng thanh khoản cho thị trường, thu hút tiền của nhà đầu tư.

Về cơ sở hạ tầng, cần có cơ sở dữ liệu đầy đủ về thông tin của các khoản nợ được bán (thông qua dữ liệu lớn) để nhà đầu tư thuận lợi hơn trong đánh giá các khoản nợ, từ đó thúc đẩy nhu cầu của nhà đầu tư. Xét về tiềm năng, với tổng giá trị nợ xấu của các TCTD ở mức cao khoảng 343 nghìn tỷ đồng tính đến cuối quý 1/2023 và có thể còn tăng lên trong năm 2023-2024 trong bối cảnh kinh tế, doanh nghiệp, bên vay gặp nhiều khó khăn và Thông tư 02 về cơ cấu lại nợ của NHNN ban hành ngày 24/4/2023 sẽ hết hiệu lực vào cuối tháng 6/2024, cùng với dư nợ tín dụng hiện tại 125% GDP, tiềm năng phát triển thị trường mua - bán nợ nói chung và nợ xấu nói riêng là rất lớn. Các nhà đầu tư nước ngoài cũng nhìn thấy các cơ hội và nhận định thị trường mua - bán nợ của Việt Nam hấp dẫn. Khi có thể giải quyết các vướng mắc về mặt cơ chế, thị trường mua - bán nợ (gồm cả nợ xấu) sẽ có thể thu hút thêm nhiều chủ thể trong và ngoài nước tham gia, sản phẩm đa dạng hơn và do đó sẽ có những bước phát triển nhanh hơn.

Việc thành lập thị trường mua - bán nợ đã được Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì tiến hành từ năm 2016 nhưng đã bị chậm. NHNN đã có những động thái mạnh mẽ hỗ trợ cho hoạt động của VAMC, đặc biệt việc thành lập sàn giao dịch nợ VAMC trong khi việc thành lập thị trường mua – bán nợ vẫn dậm chân tại chỗ. Do đó, Chính phủ và Bộ Tài chính có thể cân nhắc việc thành lập trung tâm mua bán nợ (có thể do DATC đầu mối), có kết nối chặt chẽ với sàn mua - bán nợ xấu của hệ thống TCTD (do VAMC đầu mối) nhằm khơi thông thị trường mua - bán nợ nói chung và nợ xấu nói riêng.

Việc thay đổi cơ chế nhằm giải quyết các tồn tại, hạn chế nêu trên cũng là một trong những yếu tố quan trọng giúp VAMC trở thành hạt nhân của thị trường mua - bán nợ tại Việt Nam. Tuy nhiên, bản thân VAMC cũng cần phải chủ động, nỗ lực thực hiện thành công Chiến lược phát triển đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 2024/QĐ-NHNN ngày 27/11/2020; trong đó hết sức chú trọng nâng cao năng lực ở 3 khâu: công nghệ thông tin - dữ liệu, qui trình phù hợp và nguồn nhân lực chất lượng cao hơn mới có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ đã đề ra cũng như yêu cầu ngày càng cao từ thực tiễn.

Xin chân thành cảm ơn ông!