Tổ chức Tài chính Quốc tế (tiếng Anh: International Finance Corporation, thường được gọi tắt là IFC), thành lập năm 1956, thành viên thuộc Nhóm Ngân hàng Thế giới, một trong những tổ chức tài chính cung cấp các dịch vụ đầu tư, tư vấn và quản lý tài sản nhằm nỗ lực thúc đẩy tài chính khu vực tư nhân, hỗ trợ các doanh nghiệp (lĩnh vực tư nhân) ở các quốc gia đang phát triển. Chia sẻ kinh nghiệm từ hoạt động xử lý nợ xấu, IFC tin rằng việc triển khai một khuôn khổ xử lý nợ xấu hiệu quả và các chế tài xử lý tình trạng mất khả năng thanh toán là chìa khoá quan trọng hỗ trợ cải thiện khả năng tiếp cận tài chính cho các khách hàng cá nhân và những doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs). Các chiến lược xử lý nợ xấu hiệu quả cần được chú trọng bao gồm đẩy mạnh nghiệp vụ cơ cấu nợ, kế hoạch mua bán nợ triển vọng, nâng cao nhiều giải pháp công nghệ tài chính trong lĩnh vực xử lý nợ xấu như phân tích dữ liệu hỗ trợ quản lý rủi ro, xây dựng nền tảng kỹ thuật số nhằm đơn giản quá trình tái cấu trúc. Hơn nữa, sự can thiệp và hỗ trợ kịp thời của Chính phủ là một trong những trọng tâm của chiến lược nhằm thúc đẩy quá trình giải quyết nợ xấu hiệu quả và toàn diện. Định hình và triển khai nghiệp vụ xử lý nợ xấu trong bối cảnh phát triển tài chính toàn diện, bằng cách đảm bảo rằng tất cả khách hàng cá nhân và SMEs có thể tiếp cận đầy đủ những dịch vụ tài chính, nền kinh tế toàn diện sẽ ngày càng vững mạnh hơn.
Song hành cùng Ngân hàng Thế giới, IFC tiến hành 05 giai đoạn mục tiêu hướng tới tăng cường tài chính toàn diện: (i) Đánh giá thị trường nợ xấu; (ii) Phối hợp với Ngân hàng Trung Ương trong việc cải cách khuôn khổ pháp lý, cung cấp dịch vụ tư vấn dành cho các cơ quan cấp quản lý; (iii) Huy động vốn nhằm hỗ trợ năng lực đầu tư cho thị trường nợ xấu thứ cấp; (iv) Thúc đẩy chiến lược đôn đốc, thu hồi nợ, và xử lý tài sản tối ưu; (v) Mở rộng các hiệp hội xử lý nợ trong khu vực.
Đánh giá mối liên hệ chặt chẽ giữa nghiệp vụ xử lý nợ xấu và tài chính toàn diện khu vực trong việc định hình mô hình xử lý nợ xấu cho thấy, việc cải thiện thị trường nợ xấu và tăng cường tài chính toàn diện là cần thiết. Tài chính toàn diện cung cấp một cách có trách nhiệm và bền vững các dịch vụ tài chính một cách thuận tiện, phù hợp nhu cầu, với chi phí hợp lý, chú trọng đến nhóm công dân có thu nhập nhấp, các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs). Theo đó, áp dụng công nghệ AI song song với việc tận dụng triệt để, đa dạng thiết bị, máy móc đóng vai trò quan trọng trong việc đánh giá rủi ro nợ xấu, cải thiện các chiến lược xử lý nợ xấu. Đồng thời, tăng cường hợp tác khu vực nhằm nâng cao khả năng tiếp cận tài chính trong quản lý nợ xấu phù hợp với mục tiêu đề ra đối với khách hàng cá nhân và SMEs. Bên cạnh đó, phát triển các sản phẩm tài chính toàn diện và tăng cường các chương trình nâng cao kiến thức tài chính là “then chốt” giảm thiểu rủi ro hình thành nợ xấu, góp phần tạo nên hệ thống tài chính ổn định và bền vững.
(Nguồn: Tài liệu tại Hội thảo quốc tế IPAF 2024)