1. Quy định mới về “Nợ xấu” tại Điều 1.2.c Thông tư 03
Thông tư 03 quy định khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bao gồm (1) khoản nợ xấu đang hạch toán trong bảng cân đối kế toán theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về phân loại tài sản có và (2) khoản nợ xấu đã sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nhưng chưa thu hồi được nợ và đang theo dõi ngoài bảng cân đối kế toán. Nội dung này sửa đổi Điều 3.7a.a Thông tư 19 để nhằm phù hợp với quy định tại Điều 195 Luật Các tổ chức tín dụng. Trước đó, Điều 3.7a.a Thông tư 19 quy định khoản nợ xấu được xác định theo: (1) Quy định của Ngân hàng Nhà nước về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, hoặc (2) Điều 4 Nghị quyết số 42/2017/QH14, tuy nhiên, Nghị quyết 42 hết hiệu lực thi hành kể từ ngày 31/12/2023, do vậy, nội dung này quy định tại Thông tư 19 cũng không còn hiệu lực.
2.Quy định mới về đối tượng mua, bán và xử lý nợ xấu tại Điều 1.1 và Điều 1.3 Thông tư 03
Hiện nay, Thông tư 19 chỉ áp dụng đối với tổ chức tín dụng Việt Nam, tuy nhiên, Luật Các tổ chức tín dụng 2024 đã mở rộng đối tượng bán nợ cho VAMC theo giá trị thị trường, ngoài tổ chức tín dụng Việt Nam, VAMC còn được mua nợ từ tổ chức tín dụng liên doanh, tổ chức tín dụng 100% vốn nước ngoài, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo giá trị thị trường. Vì vậy, nhằm đảm bảo sự phù hợp với Luật Các tổ chức tín dụng 2024, Thông tư 03 đã được sửa đổi, bổ sung thêm đối tượng áp dụng là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (Điều 1.1 Thông tư 03) và VAMC sẽ được mua nợ theo giá trị thị trường của tổ chức tín dụng liên doanh, tổ chức tín dụng 100% vốn nước ngoài, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (Điều 1.3 Thông tư 03).
3. Quy định mới về mua nợ có thỏa thuận phân chia phần giá trị còn lại của số tiền thu hồi nợ tại Điều 1.6 Thông tư 03
Điều 26.4 Thông tư 19 quy định đối với trường hợp mua nợ có thỏa thuận phân chia phần giá trị còn lại của số tiền thu hồi nợ theo quy định tại Khoản 3 Điều 6 Nghị quyết 42, khi đó các bên phải “Thống nhất với tổ chức tín dụng bán nợ lựa chọn tổ chức định giá độc lập”, tuy nhiên, Nghị quyết 42 đã hết hiệu lực thi hành kể từ ngày 31/12/2023, do vậy, nội dung này quy định tại Thông tư 19 cũng không còn hiệu lực thi hành. Hơn nữa, luật Các TCTD không còn quy định bắt buộc VAMC phải thống nhất với TCTD lựa chọn tổ chức định giá độc lập và mua khoản nợ xấu với giá mua bằng giá trị định giá khi các bên lựa có thỏa thuận phân chia phần giá trị còn lại của số tiền thu hồi nợ sau khi trừ giá mua và chi phí hợp lý.
Vì vậy, Thông tư 03 đã quy định như sau: Công ty Quản lý tài sản được thỏa thuận với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phân chia phần giá trị còn lại của số tiền thu hồi được từ khoản nợ xấu sau khi trừ giá mua và chi phí xử lý, nhằm đảm bảo phù hợp với quy định của Luật Các tổ chức tín dụng và thực tiễn hoạt động của VAMC.
4. Sửa đổi bổ sung quy định về điều kiện mua nợ và thực hiện mua nợ xấu theo giá trị thị trường tại Điều 1.5 và Điều 1.6 Thông tư 03
Trước đây, điều kiện mua nợ và việc thực hiện mua nợ theo giá trị thị trường được quy định tại Điều 23 và Điều 26 Thông tư 19 tương ứng với việc phân loại nợ xấu theo quy định cũ tại Điều 3.7a.a Thông tư này (nợ xấu theo quy định của NHNN về phân loại tài sản có và Nghị quyết 42), tuy nhiên, Thông tư 03 đã sửa đổi quy định về nợ xấu tại Điều 3.7a.a theo hướng không còn phân chia các khoản nợ xấu như trước, nên các quy định tại Điều 23 và Điều 26 Thông tư 19 đã được kết cấu lại nhằm đảm bảo phù hợp với quy định mới về “nợ xấu” tại Thông tư 03.
5.Sửa đổi quy định về đăng tải, niêm yết thông tin tại Điều 1.10 và Điều 1.13 Thông tư 03
Nhằm minh bạch hóa thông tin, góp phần tạo lập kho dữ liệu về khoản nợ, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu; tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng, các nhà đầu tư quan tâm tiếp cận thông tin, kết nối các giao dịch về nợ xấu, TSBĐ của khoản nợ xấu; tăng cường thanh khoản trên thị trường mua bán nợ, hỗ trợ đẩy nhanh quá trình xử lý nợ của các TCTD và giúp VAMC hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm cung cấp thông tin về nợ xấu của các TCTD, góp phần thúc đẩy sự phát triển của thị trường mua bán nợ xấu tại Việt Nam, Thông tư 03 đã sửa đổi, bổ sung như sau:
VAMC có quyền và trách nhiệm đăng và niêm yết thông tin khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu đã mua trên Sàn giao dịch nợ và website của Công ty quản lý tài sản. Việc đăng và niêm yết thông tin phải phù hợp với quy định của pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân (Điều 1.10 Thông tư 03 bổ sung Điều 41.1.g Thông tư 19) và các tổ chức tín dụng cũng có trách nhiệm phối hợp với VAMC thực hiện đăng và niêm yết thông tin nói trên (Điều 1.13 Thông tư 03 sửa đổi Điều 50.4 Thông tư 19).
6. Sửa đổi thời điểm xác định số tiền trích lập dự phòng của năm đối với từng khoản nợ tại Điều 1.12 Thông tư 03
Thay vì quy định trước ngày 15 tháng 12 hàng năm, Thông tư 03 đã quy định “Hằng năm, trước ngày 31 tháng 12 Công ty Quản lý tài sản tiến hành định giá lại tài sản bảo đảm của từng khoản nợ, xác định số tiền phải trích lập dự phòng của năm đối với từng khoản nợ theo quy định tại khoản 1 Điều này và thực hiện…”.