Những điểm mới cần lưu ý về xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng 2024

06/05/2024
Trước khi Luật Các tổ chức tín dụng 2024 được ban hành, các quy định về xử lý nợ xấu được quy định tại nhiều văn bản quy pháp pháp luật khác nhau, trong đó phải kể đến Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (Nghị quyết 42), Nghị định 53/2013/NĐ-CP ngày 18 tháng 05 năm 2013 của Chính phủ về thành lập, tổ chức và hoạt động của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (Nghị định 53) và một số Thông tư khác của Ngân hàng Nhà nước. Trải qua hơn 6 năm thực hiện thí điểm Nghị quyết 42 (với một lần được kéo dài thời hạn áp dụng), ngày 31/12/2023 Nghị quyết 42 đã hết hiệu lực thi hành, đến nay các quy định về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu đã được luật hóa thành một chương tại Luật Các tổ chức tín dụng 2024 (Chương XII. Xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm), Chương này quy định một số nội dung chính như định nghĩa khoản nợ xấu, mua bán nợ xấu của tổ chức mua bán xử lý nợ, thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm của khoản n

1. Quy định về “Nợ xấu” tại Điều 195 Luật Các tổ chức tín dụng 2024

          Luật Các tổ chức tín dụng 2024 (TCTD) xác định nợ xấu bao gồm (1) nợ xấu của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và (2) nợ xấu mà tổ chức, cá nhân đã mua của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nhưng chưa thu hồi được nợ (Điều 195 Luật Các TCTD). Như vậy, việc phân loại nợ tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài sẽ là tiền đề để xác định đó có phải khoản nợ xấu hay không, bên cạnh đó, Điều luật này cũng xác định rõ, khoản nợ xấu tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bao gồm hai loại:  

(1) “nơ xấu đang hạch toán trong bảng cân đối kế toán theo quy định của Thống đốc Ngân hàng nhà nước”. Hiên nay, quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về nội dung này là Thông tư số 11/2021/TT-NHNN ngày 30/07/2021 về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (Thông tư 11), theo đó Điều 3.8 quy định: “Nợ xấu (NPL) là nợ xấu nội bảng, gồm nợ thuộc các nhóm 3, 4 và 5” 

(2) “nợ xấu đã sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý những chưa thu hồi được nợ và đang theo dõi ngoài bảng cân đối kế toán”. Nội dung này được quy định cụ thể tại Điều 16 Thông tư 11, theo đó, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hạch toán ngoại bảng phần dư nợ đã sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro. Việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro là hình thức thay đổi hạch toán đối với khoản nợ, chuyển khoản nợ được xử lý rủi ro ra hạch toán trên các tài khoản ngoại bảng.

Cùng với các quy định cụ thể về nợ xấu, Luật Các tổ chức tín dụng 2024 cũng mở rộng phạm vi mua bán nợ xấu của các TCTD và tổ chức mua bán và xử lý nợ xấu khi bổ sung quy định mua bán nợ bao gồm cả nợ xấu nội bảng và ngoại bảng. Điều này trước đây đã được quy định và thực hiện thí điểm tại Nghị quyết 42, tuy nhiên, khi Nghị quyết 42 hết hiệu lực thi hành, từ sau ngày 01/01/2024 VAMC không được mua nợ xấu ngoại bảng.

2. Mở rộng đối tượng bán nợ xấu cho VAMC so với Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng

          Điều 6.1 Nghị quyết 42 quy định đối tượng được bán nợ xấu cho VAMC bao gồm: tổ chức tín dụng, trừ tổ chức tín dụng liên doanh và tổ chức tín dụng 100% vốn nước ngoài. Việc loại trừ VAMC được mua nợ xấu của TCTD liên doanh và TCTD 100% vốn nước ngoài, trong khi các tổ chức mua bán nợ khác (tổ chức tín dụng) đều được mua nợ của TCTD liên doanh và TCTD 100% vốn nước ngoài đã làm hạn chế phạm vi hoạt động của VAMC, ảnh hưởng đến mục tiêu “phát triển VAMC thực sự trở thành trung tâm trong hoạt động xử lý nợ xấu”“thúc đẩy sự phát triển của thị trường mua bán nợ”.[1] 

Khắc phục những bất cập trên Luật Các TCTD 2024 đã mở rộng đối tượng bán nợ cho VAMC khi quy định VAMC được mua khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng liên doanh, tổ chức tín dụng 100% vốn nước ngoài, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo giá trị thị trường (Điều 197).

          Việc mở rộng phạm vi mua nợ xấu của VAMC bao gồm cả TCTD liên doanh và TCTD 100% vốn nước ngoài là nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động mua bán nợ của VAMC, đặc biệt là trường hợp nợ xấu phát sinh khi cho vay hợp vốn giữa TCTD trong nước và TCTD nước ngoài. Mặt khác, tạo sự bình đẳng giữa VAMC và các tổ chức mua bán nợ khác nhằm đảm bảo mục tiêu (1) “Tiếp tục tạo điều kiện cho các TCTD nước ngoài hoạt động kinh doanh và cạnh tranh bình đẳng với các TCTD trong nước[2] và thực hiện cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO là tạo sự bình đẳng trong hoạt động giữa TCTD Việt Nam và TCTD nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam.

3. Quy định về mua nợ có thỏa thuận phân chia phần giá trị còn lại của số tiền thu hồi nợ tại Điều 197 Luật Các tổ chức tín dụng 2024 

Nghị quyết 42 quy định khi mua bán nợ có thỏa thuận phân chia, VAMC và TCTD thống nhất với nhau để lựa chọn tổ chức định giá và giá mua bán khoản nợ này phải bằng giá trị định giá của tổ chức định giá. 

Tuy nhiên, theo quy định tại Luật giá thì không có tổ chức định giá độc lập làm dịch vụ định giá, chỉ có tổ chức thẩm định giá làm dịch vụ này, bên cạnh đó, khoản 1 Điều 32 Luật giá quy định: “1. Kết quả thẩm định giá được sử dụng làm một trong những căn cứ để cơ quan, tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu hoặc có quyền sử dụng tài sản theo quy định của pháp luật và các bên liên quan xem xét, quyết định hoặc phê duyệt giá đối với tài sản.” Việc mua bán nợ theo giá thị trường là tự nguyện theo thỏa thuận giữa các bên. Việc định giá bao nhiêu hoàn toàn do các bên tự đánh giá quyết định và đi đến thống nhất. Do đó quy đ��nh phải thống nhất lựa chọn tổ chức thẩm định giá và mua bán khoản nợ bằng đúng với kết quả thẩm định giá là không hợp lý.

Khắc phục những tồn tại này, Khoản 3 Điều 197 Luật Các TCTD đã không còn quy định bắt buộc VAMC phải thống nhất với TCTD lựa chọn tổ chức định giá độc lập và mua khoản nợ xấu với giá mua bằng giá trị định giá khi các bên lựa có thỏa thuận phân chia phần giá trị còn lại của số tiền thu hồi nợ sau khi trừ giá mua và chi phí hợp lý, thay vào đó chỉ quy định mang tính nguyên tắc như sau: “Tổ chức mua bán, xử lý nợ được thỏa thuận với tổ chức tín dụng phân chia phần giá trị còn lại của số tiền thu hồi được từ khoản nợ xấu sau khi trừ giá mua và chi phí xử lý”.

4. Quy định về nghĩa vụ thuế, lệ phí trực tiếp liên quan đến chuyển nhượng tài sản bảo đảm tại Điều 199 Luật Các tổ chức tín dụng 2024

       Theo quy định tại Điều 12 Nghị quyết 42, số tiền thu được từ xử lý nợ xấu sẽ được ưu tiên thanh toán cho nghĩa vụ nợ được bảo đảm của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu trước khi thực hiện nghĩa vụ thuế, nghĩa vụ khác không có bảo đảm của bên bảo đảm. Theo quy định tại Điều 199 Luật Các TCTD, nội dung này đã có những thay đổi về thứ tự ưu tiên thanh toán như sau:

a) Chi phí bảo quản tài sản bảo đảm;

b) Chi phí thu giữ và chi phí xử lý tài sản bảo đảm;

c) Án phí của bản án, quyết định của Tòa án liên quán đến việc xử lý tài sản bảo đảm;

d) Khoản thuế, lệ phí trực tiếp liên quan đến việc chuyển nhượng tài sản bảo đảm đó gồm thuế thu nhập cá nhân, lệ phí trước bạ;

e) Nghĩa vụ nợ được bảo đảm cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ;

f) Nghĩa vụ khác không có bảo đảm theo quy định của pháp luật.

       Như vậy, nghĩa vụ nợ được bảo đảm không còn được ưu tiên thanh toán trước án phí và các khoản thuế, lệ phí liên quan đến việc chuyển nhượng tài sản bảo đảm theo quy định tại Nghị quyết 42.

5. Các quy định của Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của TCTD không được quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng 2024

5.1. Bãi bỏ quy định liên quan đến thu giữ tài sản bảo đảm tại Nghị quyết 42

          Pháp luật ghi nhận nhiều phương thức xử lý tài sản bảo đảm, theo đó, chủ nợ có bảo đảm có quyền xử lý tài sản bảo đảm thông qua thủ tục tư pháp hoặc ngoài tư pháp nếu đảm bảo đủ các điều kiện kèm theo. Cùng với đó, quy định về quyền thu giữ tài sản bảo đảm cũng được quy định lần lượt tại các văn bản quy phạm pháp luật về giao dịch bảo đảm và bắt đầu xuất hiện khá rõ nét tại Thông tư liên tịch số 03/2001/TTLT- NHNN-BTP-BCA-BTC-TCĐC ngày 23/4/2001 hướng dẫn việc xử lý tài sản bảo đảm tiền vay để thu hồi nợ cho các tổ chức tín dụng, sau đó lần lượt được quy định tại Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm, Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

          Tuy nhiên, sau ngày 31/12/2023, khi Nghị quyết 42 hết hiệu lực thi hành, toàn bộ các quy định về thu giữ tài sản bảo đảm đã hết hiệu lực, các quy định liên quan đến xử lý tài sản bảo đảm hiện nay như: Bộ luật Dân sự 2015, Nghị định số 21/2020/NĐ-CP ngày 17/02/2020 của Chính phủ…đều không có quy định về thu giữ tài sản bảo đảm, điều này đồng nghĩa với việc các tổ chức tín dụng, tổ chức mua bán và xử lý nợ xấu không còn được áp dụng biện pháp thu giữ tài sản bảo đảm trong quá trình xử lý nợ xấu.

          Quy định về thu giữ không được luật hóa tại Luật Các TCTD được các nhà lập pháp lập luận theo hướng quy định này không phù hợp với các quy định pháp luật khác của hệ thống pháp luật Việt Nam, cụ thể như sau:

  1. “Theo quy định tại Điều 32, Điều 51 và Điều 106 Hiến pháp năm 2013: “Mọi người có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, phần vốn góp…”; “Quyền sở hữu tư nhân và quyền thừa kế được pháp luật bảo hộ”; “Tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức đầu tư, sản xuất, kinh doanh được pháp luật bảo hộ và không bị quốc hữu hóa”; “Bản án, quyết định của Tòa án nhân dân có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành”.
  2. Theo quy định tại Điều 163, Điều 241, Điều 301 Bộ luật Dân sự năm 2015: “Không ai có thể bị hạn chế, bị tước đoạt trái luật quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản”; “Quyền sở hữu đối với một tài sản chấm dứt khi tài sản đó bị xử lý để thực hiện nghĩa vụ của chủ sở hữu theo quyết định của Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác, nếu pháp luật không có quy định khác”; “Việc xử lý tài sản để thực hiện nghĩa vụ của chủ sở hữu không áp dụng đối với tài sản không thuộc diện kê biên theo quy định của pháp luật”; “Người đang giữ tài sản bảo đảm có nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm cho bên nhận bảo đảm để xử lý khi thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 299 của Bộ luật này. Trường hợp người đang giữ tài sản không giao tài sản thì bên nhận bảo đảm có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác”.
  3. Theo quy định tại khoản 4 Điều 68 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014: “Mọi thỏa thuận của cha mẹ, con liên quan đến quan hệ nhân thân, tài sản không được làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình, cha mẹ mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình”.

      Việc cho phép tổ chức tín dụng được thu giữ tài sản bảo đảm (tức là thu giữ tài sản thuộc sở hữu của cá nhân, tổ chức) có sự tham gia của cơ quan chính quyền địa phương các cấp và cơ quan Công an trong quan hệ dân sự giữa tổ chức tín dụng và khách hàng mà không thuộc trường hợp thật cần thiết như Hiến pháp năm 2013 quy định có thể dẫn đến việc lạm dụng trong quá trình tổ chức thực hiện, xâm phạm đến quyền sở hữu của cá nhân, tổ chức; hành chính hoá quan hệ dân sự - kinh tế.”[3]

Tuy nhiên, không thể phủ nhận kết quả đã đạt được của Nghị quyết 42 nói chung cũng như việc áp dụng biên pháp thu giữ tài sản bảo đảm tại Nghị quyết 42 nói riêng.Trước khi có Nghị quyết 42, các biện pháp xử lý nợ xấu thông qua xử lý TSBĐ và khách hàng tự trả nợ đạt kết quả chưa cao. Kể từ khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực, kết quả xử lý nợ xấu đã được cải thiện rõ rệt. Bên cạnh đó, việc không tiếp tục quy định về thu giữ tài sản bảo đảm trong trường hợp không nhận được sự hợp tác của “con nợ”, các bên chỉ có cách giải quyết đó là khởi kiện khách hàng vay. Tuy nhiên, biện pháp khởi kiện khách hàng vay còn nhiều khó khăn, bất cập trên thực tế, khi thời gian tiến hành các thủ tục tố tụng kéo dài, thông thường, trường hợp khách hàng không hợp tác thì một vụ án kéo dài trong nhiều năm mà Tòa án vẫn chưa giải quyết, ảnh hưởng lớn đến chi phí bảo quản, trông giữ TSBĐ, hao mòn TSBĐ cũng như các chi phí liên quan khác trong quá trình tố tụng. 

5.2. Bãi bỏ quy định về xử lý tài sản bảo đảm là dự án bất động sản tại Nghị quyết 42

          Theo quy định tại Nghị quyết 42, việc chuyển nhượng dự án bất động sản chỉ cần tuân thủ một số điều kiện về (1) dự án, (2) bên chuyển nhượng và (3) bên nhận chuyển nhượng, điều kiện cần đáp ứng khi chuyển nhượng dự án theo Nghị quyết 42 ít hơn các điều kiện cần đáp ứng theo quy đinh tại Luật Kinh doanh bất động sản, quy định này tại Nghị quyết 42 đã tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng, tổ chức mua bán và xử lý nợ trong quá trình xử lý tài sản bảo đảm là dự án bất động sản.

          Tuy nhiên, khi thực hiện luật hóa, quy định về điều kiện chuyển nhượng dự án bất động sản đã được sửa đổi, theo đó, khi thực hiện chuyển nhượng dự án bất động sản, cần phải đáp ứng toàn bộ các quy định tại Luật Kinh doanh bất động sản, cụ thể như sau:

  1. Dự án phải đáp ứng toàn bộ các điều kiện theo quy định tại Điều 40.1 Luật kinh doanh bất động sản.
  2. Chủ đầu tư chuyển nhượng ngoài việc đã có quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất còn phải đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất đai theo quy định tại Điều 40.3 Luật Kinh doanh bất động sản (không phải áp dụng quy định về điều kiện chủ thể kinh doanh bất động sản)
  3. Chủ đầu tư nhận chuyển nhượng dự án cần phải đáp ứng toàn bộ các quy định của Luật kinh doanh bất động sản.

5.3. Một số quy định khác của Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của TCTD cũng không còn được quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng 2024

Bên cạnh quy định liên quan đến thu giữ tài sản bảo đảm và xử lý tài sản bảo đảm là dự án bất động sản đã được phân tích, một số quy định của Nghị quyết 42 không còn được quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng như:

- Quy định về nguyên tắc xử lý nợ xấu;

  • Quy định về áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp liên quan đến TSBĐ tại Tòa án;
  • Quy định về kê biên tài sản bảo đảm của bên phải thi hành án;
  • Quy định bán nợ xấu có tài sản bảo đảm đang bị kê biên;
  • Quy định hoàn trả tài sản là vật chứng trong vụ án hình sự;
  • Quy định về phân bổ lãi dự thu, chênh lệch khi bán khoản nợ xấu của TCTD, tổ chức mua, bán xử lý nợ xấu.

[1] Quyết định số 986/QĐ-TTg ngày 08/08/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 có nêu: “Phát triển VAMC thực sự trở thành trung tâm trong hoạt động xử lý nợ xấu gắn với cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng, thúc đẩy sự phát triển của thị trường mua bán nợ, đảm bảo sự phát triển an toàn, bền vững của các tổ chức tín dụng, có đủ năng lực và nguồn lực để thực hiện chức năng, nhiệm vụ mua, bán và xử lý nợ xấu, định giá, đấu giá tài sản”.

Quyết định 689/QĐ-TTg ngày 8/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025” quy định  “khuyến khích các bên tham gia vào thị trường mua bán nợ để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động mua, bán và xử lý nợ xấu, tạo điều kiện cho thị trường mua bán nợ phát triển (Khoản 1.a mục III);

[2] Khoản 2 Mục III, Quyết định 689/QĐ-TTg ngày 8/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025

[3] Báo cáo thẩm định số 30/BCTĐ-BTP ngày 22/03/2023 của Bộ Tư pháp báo cáo thẩm định Dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).